PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
TRƯỜNG MẦM NON HỒNG DỤ
Video hướng dẫn Đăng nhập
  • Tin tức - Sự kiện
  •  

    BÀI TUYÊN TRUYỀN “TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TÂP SUỐT ĐỜI NĂM 2019”

    CHỦ ĐỀ: “HỌC TẬP SUỐT ĐỜI – NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CHUẨN BỊ CHO TRẺ NHỎ”

    Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 67/PGDĐT ngày 27/9/2019, V/v tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2019. Trường Mầm non Hồng Dụ xin gửi tới các thầy cô giáo, các bậc PHHS bài tuyên truyền: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” và “Xây dựng xã hội học tập” với chủ đề “Học tập suốt đời – Những kỹ năng cần chuẩn bị cho trẻ nhỏ”.

    Việc học tập suốt đời là chuyện tất yếu của con người trong xã hội ngày nay. Không phải chỉ khi đến thời đại khoa học công nghệ phát triển thì thế giới mới nói về việc học tập suốt đời. Ngay từ thời xưa, các bậc hiền triết đã từng đề cập lẽ sống của con người phải là việc học tập suốt đời.
              Thật vậy, trở thành một người học tập suốt đời là một việc rất quan trọng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Học tập suốt đời không chỉ cần kỹ năng tiếp thu thông tin mà còn bao gồm quá trình phát trình phát triển của nhiều kỹ năng khác như: Sự tò mò, sự kiên trì và khả năng giải quyết vấn đề.
              Sau những nghiên cứu về thần kinh học và phát triển của con người, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khao khát học tập suốt đời là điều tự nhiên của loài người. Tuy nhiên, khả năng học tập của con người chỉ phát triển mạnh ở các giai đoạn dưới 4 tuổi, 7 tuổi và đến trước 15 tuổi rồi sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Còn khi đã bước vào độ tuổi trưởng thành, con người chỉ là vận dụng những kỹ năng đã học trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề chứ không học thêm những kỹ năng mới để thúc đẩy quá trình học tập suốt đời nữa. Vì vậy, hành trang chuẩn bị cho việc học tập suốt đời nên bắt đầu từ rất sớm.
    + + + Vậy làm thế nào để giúp trẻ chuẩn bị đầy đủ hành trang để bước vào con đường học tập suốt đời? Dưới đây là 6 danh ngôn của 6 vĩ nhân nổi tiếng về giá trị của việc học tập suốt đời và 3 cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp trẻ chuẩn bị hành trang học tập suốt đời:

    * Về giá trị của việc học tập suốt đời:
    1. “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ nhiều thời gian hơn với rắc rối” – Albert Einstein.
    2. “Nói cho tôi biết và tôi quên, dạy cho tôi và tôi có thể nhớ, liên quan đến tôi và tôi học” – Benjamin Franklin.
    3. “Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức mà là nhen nhóm ngọn lửa đam mê” – Socrates.
    4. “Chúng ta học từ những thất bại chứ không phải từ sự thành công” – Bram Stoker.
    5. “Sự thay đổi là kết quả cuối cùng của phương pháp học tập đúng” – Leo Buscaglia.
    6.“Học hỏi không phải là trò chơi con trẻ; chúng ta không thể học hỏi mà không có đau đớn” – Aristotle.

    * Ba cách để giúp trẻ chuẩn bị hành trang học tập suốt đời:
    1. Đặt câu hỏi.
                Hỏi và đáp là hai mặt căn bản của quá trình học tập suốt đời. Đứng trước những điều chưa biết, chưa hiểu, hay hiểu chưa chắc chắn, rất tự nhiên chúng ta đều tự đặt ra cho mình một hay nhiều câu hỏi. Việc tự đặt câu hỏi giúp cho trí tuệ con người vận động, chuyển từ trạng thái thụ động sang trạng thái hoạt động. Mỗi câu hỏi đều đóng vai trò kích thích tư duy làm tăng khả năng sẵn sàng đón nhận những kiến thức được “đóng gói” trong các câu trả lời. Vì thế, thay vì cho câu trả lời, các bậc phụ huynh hãy đưa những câu hỏi khơi gợi sự tò mò của con trẻ để giúp trẻ trở thành người học tập suốt đời.

    2. Để con được trải nghiệm sự thất bại.
                Hầu hết người lớn đều biết rằng cách học hỏi tốt nhất là từ những thất bại nhưng lại luôn tìm cách giúp đỡ, thậm chí là áp đặt con trẻ làm theo suy nghĩ của họ và cho rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ con tránh khỏi những thất bại. Tuy nhiên, chính các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ phát triển sự tự tin, năng lực, hạnh phúc và thành công khi trẻ được trao cơ hội để đấu tranh và đôi khi là thất bại.
                Là người đóng vai trò thúc đẩy trong quá trình học tập suốt đời của trẻ, bố mẹ có thể tự phán xét khi nào thì nên khuyến khích con tiếp tục cố gắng và khi nào thì nên cho phép trẻ bỏ cuộc. Để tạo điều kiện học tập suốt đời, trước khi dạy trẻ biết khi nào có thể chấp nhận thất bại, hãy đảm bảo trong quá trình khuyến khích con vượt qua các thử thách hàng ngày, cha mẹ hãy đặt tầm quan trọng của việc cố gắng hết sức và hưởng thụ niềm vui của thử thách lên trên thành quả và chiến thắng cuối cùng.

    3. Nâng cao khả năng tự tìm tòi, học hỏi.
                    Không chỉ từ sách vở, học hỏi qua kinh nghiệm cũng là một trong những cách tốt nhất để cung cấp cho trẻ các kỹ năng cần thiết cho việc học tập suốt đời. Đặc biệt trong giai đoạn trước 15 tuổi, bố mẹ cần chú ý rèn cho trẻ tinh thần tự giác học, nhưng trước hết, các bậc phụ huynh cần giải thích thế nào là tự học? Đó là cách chủ động tìm tòi, biết vận dụng những cái đã học vào cuộc sống, biết tham khảo cái của người khác để tìm ra cái của mình.

    =>Như chúng ta đã biết, sự học là vô bờ. Kiến thức như một đại dương mênh mông, trong khi đó sự hiểu biết của con người lại có hạn. Nhờ việc học liên tục, học tập suốt đời, con người mới cập nhật được những kiến thức mới mẻ, hiện đại giữa đại dương kiến thức mênh mông ấy để đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, làm cho con người được hoàn thiện hơn, cuộc sống của con người mỗi ngày một no ấm, hạnh phúc và tiến bộ hơn. Có thể nói chắc chắn rằng, học tập suốt đời là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công cho mỗi cá nhân.